vòng 1_8

Hệ Mặt Trời (tên Hán Việt: Thái Dương Hệ) bao gồm Mặt Trời và các vật thể xung quanh nó. Mặt Trời là ngôi sao dãy chính, chiếm 99.86% tổng khối lượng của hệ Mặt Trời và phát ra ánh sáng nhờ năng lượng tổng hợp hạt nhân. Mặt Trời còn phát ra các hạt điện tích, tạo ra gió Mặt Trời.
Các vật thể lớn nhất sau Mặt Trời là hành tinh. Hệ Mặt trời có 8 hành tinh, bao gồm 4 hành tinh đất đá (Sao Thuỷ, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hoả) và 4 hành tinh khổng lồ (Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương). Các hành tinh đất đá, theo như tên gọi, có bề mặt rắn và tính địa chất. Các hành tinh khổng lồ được cấu tạo từ chất khí và chất lỏng, cho nên chúng không có bề mặt xác định.
Hiện tại các nhà khoa học không rõ có bao nhiêu hành tinh lùn, chỉ biết nhiều khả năng các vật thể sau là các hành tinh lùn: Ceres, Sao Diêm Vương, Haumea, Quaoar, Makemake, Cung Công, Eris, và Sedna. Ngoài ra, hệ Mặt Trời còn có tiểu hành tinh, sao chổi, thiên thạch, bụi bặm, v.v., được gọi tắt là các thiên thể nhỏ trong hệ Mặt Trời. Số ít các vật thể này có vệ tinh tự nhiên quay quanh.
Một số vật thể trong hệ Mặt Trời nằm trong vành đai tiểu hành tinh, nằm giữa quỹ đạo Sao Hoả và Sao Mộc, và vành đai Kuiper, nằm ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. Các nhà khoa học cho rằng sao chổi có quỹ đạo dài bắt nguồn từ đám mây Oort.
4,6 tỉ năm trước, có một đám mây phân tử trong Ngân Hà cô lại, tạo nên Mặt Trời nguyên thuỷ và đĩa tiền hành tinh. Đĩa tiền hành tinh có rất nhiều khí và bụi. Theo thời gian, khí và bụi dần dần cô lại để tạo nên các vật thể khác trong hệ Mặt Trời.

View More On Wikipedia.org
Back
Top Bottom